Di sản Trại tập trung Auschwitz

Các doanh trại còn lại tại Auschwitz-Birkenau
Khung cảnh bên trong một nhà thiêu tại bảo tàng Auschwitz I

Kể từ ngày giải phóng, Auschwitz đã trở thành biểu tượng chủ đạo của Holocaust. Theo nhà sử học Timothy D. Snyder, nhận định này đến từ số nạn nhân thiệt mạng cao cùng "sự kết hợp khác thường giữa tổ hợp trại công nghiệp và cơ sở giết người", nó để lại số bằng chứng vượt xa so với những cơ sở chỉ có một mục đích đơn thuần là tàn sát như Chełmno hay Treblinka.[196] Vào ngày 27 tháng 1, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày giải phóng trại 27 tháng 1 làm ngày tưởng niệm Holocaust quốc tế (International Holocaust Remembrance Day).[197] Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng, thủ tướng Đức Helmut Kohl đã mô tả Auschwitz là "chương đen tối và khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Đức".[198]

Tác gia Levi trong cuốn If This Is a Man đã nêu lên rằng các trại tập trung tượng trưng cho hình ảnh thu nhỏ của hệ thống toàn trị.[199] Ông cùng với Elie WieselTadeusz Borowski là những người viết hồi ký về Auschwitz đáng chú ý.[2]

Chuyên gia tâm thần học Viktor Frankl đã thuật lại trải nghiệm của ông ở Auschwitz một cách chân thực và chi tiết trong cuốn Man's Search for Meaning (1946).[200] Là một tác phẩm hiện sinh nổi tiếng, cuốn sách đã chứng minh mỗi cá nhân có thể tìm thấy mục đích của riêng mình kể cả trong nỗi đau khổ lớn lao và ý nghĩa của mục đích duy trì cuộc sống của họ.[201] Một tác giả khác cũng viết về những tháng ngày bị giam cầm ở Auschwitz là Wiesel với cuốn Night (1960) và một vài tác phẩm khác. Wiesel đã trở thành một phát ngôn viên chống bạo lực sắc tộc xuất sắc và được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1986.[202]

Simone Veil, một người tù Auschwitz sống sót, đã được bầu làm chủ tịch nghị viện châu Âu giai đoạn 1979–82.[203] Có hai nạn nhân Auschwitz mà sau này đã được phong thánh trong Giáo hội Công giáo Rôma đó là Maximilian Kolbe, một tư tế tình nguyện chết đói thay một người lạ, và Edith Stein, một người Do Thái cải đạo Công giáo.[204]

Bảo tàng Quốc gia Auschwitz-Birkenau

Dòng chữ Arbeit macht frei, Auschwitz IMột đóa hoa được đặt trên đường ray ở Auschwitz II-Birkenau để tưởng nhớ các nạn nhân.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 1947, chính phủ Ba Lan thông qua đạo luật thiết lập một công trình tưởng niệm dành cho những nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã tại vị trí của Auschwitz.[76] Một cuộc triển lãm đã mở cửa trưng bày các bức ảnh chân dung của tù nhân; tóc, vali, và giày lấy từ những người tù bị sát hại; hộp đựng những viên Zyklon B; và các vật dụng khác liên quan đến vụ tàn sát trong năm 1955.[205] Năm 1979, UNESCO công nhận Auschwitz là di sản thế giới.[206] Trong năm 2011, bảo tàng thu hút 1.400.000 khách tham quan.[207]

Giáo hoàng John Paul II đã cử hành thánh lễ trên đoạn đường ray dẫn tới trại vào ngày 7 tháng 6 năm 1979. Những tranh cãi đã nổ ra trong những thập kỷ tiếp theo về việc dựng lên một chữ thập lớn mà ban đầu được sử dụng trong thánh lễ của giáo hoàng. Một nhóm nữ tu dòng Cát Minh phản đối cái mà họ cho là Cơ đốc hóa khu vực này, trong khi những người khác phản biện rằng sự hiện diện của chữ thập như một cách ghi nhận những nạn nhân Công giáo của trại.[208]

Vào ngày 4 tháng 9 năm 2003, ba chiếc F-15 Eagle của Không quân Israel đã bay phía trên Auschwitz trong một nghi lễ diễn ra tại trại ở phía dưới. Chỉ huy màn bay là thiếu tướng Amir Eshel, con trai những nạn nhân Holocaust sống sót.[209] Vào ngày 27 tháng 1 năm 2015, khoảng 300 cựu tù nhân Auschwitz sống sót và các khách mời khác đã tụ họp dưới một chiếc lều khổng lồ tại lối vào Auschwitz II Birkenau để kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng trại. Trong số những người đến dự có chủ tịch Hội đồng Do Thái Thế giới Ronald Lauder, đạo diễn phim Steven Spielberg, và một số nhà lãnh đạo trên thế giới như tổng thống Ba Lan Bronisław Komorowski và vua Willem-Alexander của Hà Lan. Vì những người sống sót còn lại sẽ dần qua đời theo thời gian, số người tham dự sự kiện này ít có khả năng thấp hơn những lễ kỷ niệm lớn khác trong tương lai. Các hoạt động tưởng niệm cũng diễn ra tại Yad Vashem ở Israel, trại tập trung Theresienstadt, Berlin và Moscow.[210]

Các nhà quản lý bảo tàng đã ghi nhận việc một số khách tham quan cố gắng lấy đi những hiện vật làm quà lưu niệm, một hành động bị nghiêm cấm và thường dẫn tới sự buộc tội. Vào ngày 22 tháng 6 năm 2015, hai người Anh đã bị kết tội trộm cắp vì lấy đi những chiếc cúc quần áo và mảnh vỡ thủy tinh trang trí họ tìm thấy trên mặt đất gần nơi lưu giữ những tài sản cá nhân của người tù. Cả hai đều 17 tuổi, nhận án treo và bị phạt 170 £ (bảng Anh). Phía bảo tàng cho biết những vụ trộm tương tự xảy ra từ một đến hai lần mỗi năm.[211]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trại tập trung Auschwitz http://www.bbc.com/news/uk-33237625 http://www.cbsnews.com/news/oldest-survivor-of-aus... http://www.highbeam.com/doc/1G2-2591309522.html http://www.highbeam.com/doc/1G2-3408200075.html http://www.highbeam.com/doc/1P2-7896385.html http://www.jpost.com/Features/In-Thespotlight/Plan... http://www.slate.com/blogs/outward/2015/01/27/reme... http://sputnikipogrom.com/history/28551/liberation... http://www.theguardian.com/news/2006/apr/13/guardi... http://www.wiesenthal.com/